7 lời khuyên của người giàu mà họ chẳng bao giờ thực hiện

Thế giới chia làm 2 nửa: người giàu và người nghèo. Người giàu dùng tiền để làm việc. Còn người nghèo làm việc vì tiền.
Bức tranh về người nghèo trong mắt nhiều người là những kẻ ăn xin trên đường phố, những người không thể mua nổi bất cứ thứ gì. Nhưng đó chỉ là trường hợp cực đoan của nghèo đói. Nếu bạn đánh đổi thời gian của bản thân để kiếm tiền chi trả cho những thứ tốt đẹp trong cuộc sống, bạn không nằm trong nhóm những người giàu.
“Tầng lớp trung lưu” chỉ là cái tên được đặt ra để an ủi những người nghèo làm việc chăm chỉ. Thật ra thì những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng có thể trở nên giàu có. Nhưng điều này khá hiếm. Hãy nhớ rằng định nghĩa về người giàu là những người không làm việc vì tiền bạc, mà tiền bạc làm việc cho họ. Và tất nhiên, họ kiếm được rất nhiều liền.
Bạn có thể làm việc để hoàn thiện bản thân. Và tất cả mọi người cũng nên như vậy. Nhưng nếu động lực làm việc mỗi ngày của bạn chỉ là tiền lương, chắc chắn bạn đang chơi trò chơi của những kẻ nghèo khó. Chìa khoá ở đây là tư duy khác biệt về công việc, tiền bạc và cuộc sống.
Xã hội chúng ta tôn vinh những người giàu, xem họ là tấm gương để học tập. Đúng, họ là những kẻ khôn ngoan, nhưng cũng hay đánh lừa công chúng. Họ thường đưa ra những lời khuyên mà bản thân chẳng bao giờ thực hiện.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, đừng nghe những gì người giàu nói. Thay vào đó hãy xem những gì họ làm. Nghiên cứu những câu chuyện về cuộc đời họ. Nhìn vào khoảnh khắc họ thực hiện những bước nhảy vọt và xem họ đã làm việc đó như thế nào.
Có nhiều lời khuyên của người giàu mà họ chẳng bao giờ thực hiện. Tôi chọn 7 điều dưới đây vì sự phổ biến của chúng. Hy vọng là bạn sẽ học được gì đó:
1. Tiết kiệm tiền
Những người giàu không tiết kiệm tiền. Bạn có thể nói là họ giàu rồi nên không cần để tâm đến chuyện tiết kiệm, còn người nghèo thì phải học cách tiết kiệm chứ. Nhưng sự thật là tiết kiệm tiền không phải một quyết định tài chính khôn ngoan.
Lấy Đức làm ví dụ, bạn phải trả tiền cho ngân hàng để họ giữ tiền hộ bạn. Họ không trả tiền lãi cho bạn đâu. Còn ở những nước khác, tiền lãi rất thấp và tiền của bạn mất giá ngày một nhanh. Vì vậy vào thời điểm bạn lấy lại tiền, giá trị của nó có thể thấp hơn ngay cả trước khi bạn tiết kiệm.
Những người giàu không tiết kiệm tiền. Họ đầu tư tiền. Họ mua bất động sản và đầu tư. Lợi ích duy nhất mà việc tiết kiệm dạy cho bạn là tính kỷ luật với bản thân. Hãy thông minh lên.
2. Cắt giảm chi tiêu
Điều này nghe có vẻ thông minh nhưng nó cũng tệ như lời khuyên tiết kiệm tiền vậy. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, lời khuyên được đặt ra thường là hãy cắt giảm chi tiêu. Chỉ có duy nhất một vấn đề với việc đó: nếu bạn cắt giảm chi tiêu của mình, mọi người sẽ tin là bạn sắp phá sản. Và điều đó sẽ dẫn đến những vấn đề khác.
Những đối tác sẽ sợ hãi khi làm kinh doanh với bạn. Không ai muốn bước lên một con thuyền sắp chìm cả. Việc đàm phán những thoả thuận trở nên khó khăn không cần thiết. Họ sẽ không cho bạn biết là vì sao họ lại do dự.
Nhưng nếu bạn ném cho họ một bữa tiệc xa hoặc thể hiện sự giàu có dưới một hình thức nào đó, bọ sẽ tụ tập lại trao cho bạn những thoả thuận có lợi. Đây là cách của người giàu. Chỉ có người nghèo mới cắt giảm chi tiêu.
Tôi đã luôn nghĩ về việc vì sao người giàu lại tổ chức những bữa tiệc xa hoa điên rồ như vậy. Nó không có gì hơn ngoài việc thể hiện sự mạnh tay của họ trong đàm phán kinh doanh.
3. Thoát khỏi cảnh nợ nần
Tư duy của người giàu khác hẳn với người nghèo. Trong khi những người nghèo đang cố gắng thoát khỏi cảnh nợ nần thì người giàu lại cố gắng để có thêm nhiều nợ. Đối với người nghèo, nợ là gánh nặng. Còn với người giàu, nợ là công cụ tài chính.
Người giàu sử dụng tiền để làm ra tiền. Bạn đoán xem số tiền mà họ dùng để bắt đầu kinh doanh là từ đâu ra? Họ kiếm được một khoản vay. Hay nói cách khác là họ mắc nợ.
Sự khác biệt là người nghèo sử dụng những khoản nợ để mua sắm tiêu sản [1]. Những thứ này này không tạo ra tiền mà còn bị khấu hao theo thời gian.
4. Đến trường
Phần lớn những người siêu giàu trên thế giới đều là những kẻ bỏ học. Họ cũng từng đến trường như bao người, nhưng họ nhận thức được đến lúc nào thì nên từ bỏ. Những người liên tục theo đuổi con đường học vấn không bao có thể bước vào hàng ngũ của giới siêu giàu.
Trong cuộc sống, kinh nghiệm mới là vua. Những gì bạn học được trong sách sẽ khác với trải nghiệm thực tế. Nếu bạn có thể nói, đọc, viết và nắm được những kiến thức cùng những kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực của mình thì tôi nghĩ là bạn đã đến trường đủ rồi.
5. Tìm việc
Người giàu không làm giàu bằng cách tìm việc. Họ giàu bằng việc kinh doanh hoặc đầu tư. Không có gì sai khi làm một công việc mà bạn thích. Nhưng khi cần lời khuyên của ai đó về con đường phía trước, họ thường chỉ khuyên bạn là nên tìm một công việc ổn định bởi họ nghĩ là bạn không đủ bản lĩnh để điều hành việc kinh doanh của riêng mình.
Người giàu làm việc để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ làm việc để có thể tìm ra những cơ hội. Những người giàu không làm việc chỉ vì họ muốn kiếm tiền. Nếu muốn làm giàu, đi xin việc không giúp ích gì cho bạn đâu.
6. Đa dạng hoá [2]
Như Warren Buffet từng nói: người giàu bỏ tất cả trứng của họ vào trong một chiếc giỏ và bỏ vệ nó bằng chiếc xe tăng bộc thép. Những kẻ đa dạng hoá rõ ràng là không biết phải làm gì với tiền.
Những người giàu đầu tư vào những lĩnh vực mà họ am hiểu và kiểm soát chúng một cách nghiêm ngặt. Những người nghèo bị lôi kéo bởi những điều lớn lao và cái ý tưởng đa dạng hoá. Những người làm bất động sản không chơi cổ phiếu. Những kẻ chơi cổ phiếu cũng không mua bán bất động sản (trừ khi họ mua nhà để ở).
Đó là cách người giàu trở nên giàu có. Nhưng khi phải đưa ra lời khuyên chung chung cho mọi người, họ thường nói với bạn là hãy đa dạng hoá đầu tư vì bạn không thực sự am hiểu sâu sắc bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào cả. Đó là lời khuyên an toàn nhất.
7. Đi nghỉ mát
Người giàu không chỉ đơn thuần là đi nghỉ mát. Luôn có những công việc gắn liền với chuyến đi theo cách này hoặc cách khác. Khi đi du lịch xả hơi, đôi mắt họ luôn tỉnh táo nhìn ra các cơ hội tại những nơi đó.
Người nghèo đi nghỉ mát để trốn chạy khỏi những bộn bề cuộc sống, họ tránh suy nghĩ bất cứ thứ gì liên quan đến công việc. Tuy nhiên, những người giàu không thể ngăn bản thân mình suy nghĩ về các cơ hội kinh doanh bất cứ nơi nào họ đến. Tất cả là vì họ yêu những gì họ làm.
Chú thích
[1] Có 2 loại tài sản là “tài sản” và “tiêu sản”. Tài sản là những gì bạn bỏ tiền ra sở hữu, trong tương lai chúng sẽ sinh lời cho bạn. Tiêu sản cũng là những thứ bạn bỏ tiền ra sở hữu, nhưng chúng không tạo ra tiền bạc mà còn bị khấu hao giá trị theo thời gian.
[2] Là việc tạo ra sự đa dạng trong các lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh, nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính.
Nguồn: Medium
Dịch giả: Quoc Pham Nguyen