Một tựa game mobile Hàn Quốc bị tố cáo đạo nhái manga Kimetsu no Yaiba

Công ty phát triển game mobile Hàn Quốc là Tennine đang bị cộng đồng fan anime quốc tế lên án dữ dội sau khi họ cho ra mắt một tựa game trên smartphone “đạo nhái” hoàn toàn manga nổi tiếng Kimetsu no Yaiba mang tên “Sword of the Devil” vào ngày 24/4 vừa qua.
Tựa game này cũng lấy bối cảnh ở Nhật Bản, với các nhân vật mà nhìn qua đã thấy “na ná” những nhân vật mà các fan anime rất quen thuộc trong Kimetsu no Yaiba.
Không chỉ thế, cốt truyện trong game cũng được các nhà làm game Hàn Quốc “vay mượn” bộ manga diệt quỷ đình đám trong thời gian qua. Khi nhân vật nam chính tên Tatsuya trong game đã trở thành một dũng sĩ diệt quỷ sau khi chứng kiến gia đình mình bị giết hại bởi một con quỷ độc ác, đồng hành cùng anh là Kasumi, một nữ bán quỷ với 2 chiếc sừng trên đầu mà nhìn không khác gì Nezuko trong Kimetsu no Yaiba, có điều là “đầy đặn” hơn chút.
Ngoài ra, một số tạo hình nhân vật khác, hay các chiêu thức và logo của game cũng được các nhà làm game Hàn Quốc “ăn cắp” triệt để”.
Các fan anime không quá khó để nhận ra màn đạo nhái trắng trợn này và kết quả là tựa game Sword of the Devil bị chấm điểm 1/5 ngay khi vừa ra mắt trên Google Play, kèm theo là làn sóng công kích dữ dội nhất là ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy vậy, công ty game Tennine đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ đã “ăn cắp” chất liệu từ Kimetsu no Yaiba. Một đại diện của hãng game này cho biết “không phải cứ có nhân vật nào diệt quỷ, cầm katana và mặc trang phục Nhật Bản cũng đều liên quan đến Kimetsu no Yaiba”, đồng thời nhấn mạnh “Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, các cáo buộc về game đều không chính xác”.
Hiện nhà xuất bản Shueisha, đơn vị nắm quyền xuất bản manga Kimetsu no Yaiba cũng như tác giả của manga là Gotōge Koyoharu chưa lên tiếng về vụ việc này.
Đây không phải lần đầu tiên một tựa game Hàn Quốc bị đặt nghi vấn đạo nhái những tác phẩm manga, anime hay game đến từ Nhật Bản. Thậm chí không chỉ đạo nhái mà các họa sĩ 2D Hàn Quốc còn cố tình lợi dụng việc gia công anime cho các studio Nhật Bản để phục vụ những mưu đồ chính trị.
Theo Otaku Media