Chernobyl (2019): “Cái giá của lời nói dối là gì?”

0
387
Chernobyl (2019): "Cái giá của lời nói dối là gì?"
Đánh giá cá nhân9
IMDb9.4
9.2

Đây là một trong những series thành công nhất trong lịch sử của HBO thậm chí còn xuất sắc hơn cả Game of Thrones khi theo trang IMDb, Chernobyl được đánh giá lên đến 9,4 điểm.

Dành cho những bạn nào chưa biết thì phim được dựa theo một thảm hoạ cùng tên có thật trong lịch sử xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên Bang Xô viết) phát nổ. Đây được coi là vụ tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân.Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima. (theo wikipedia)

Chernobyl (2019): "Cái giá của lời nói dối là gì?"

Mình khuyên các bạn nên tìm hiểu về sự kiện này để có thể trải nghiệm sự chân thực cùng độ ám ảnh khi xem phim.

Với chỉ vọn vẻn 5 tập trong 1 mùa duy nhất, phim đưa chúng ta quay lại quá khứ vào đúng đêm ngày 26.4.1986, thời điểm xảy ra thảm hoạ kinh hoàng nhất con người từng gây ra – vụ nổ lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Sau sự cố, nhà khoa học Valery Legasov (Jared Harris đóng) được triệu tập đến một hội đồng gồm các chính trị gia Liên Xô, đứng đầu là Tổng thư ký Mikhail Gorbachev (David Dencik) để trả lời tất tần tật những vấn đề xung quanh vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nhưng Valery Legasov không biết rằng chính điều đó đã làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Bên cạnh Legasov còn có nữ khoa học gia Ulana Khomyuk (Emily Watson) và nhà chính trị có tiếng Boris Shcherbina (Stellan Skarsgård), ba nhân vật này đã cùng nhau chiến đấu ko không ngừng nghỉ để ngăn chặn một thảm hoạ tưởng chừng như không thể cứu vãn. Có thể nói sự thành công của phim không hoàn toàn phụ thuộc vào những kĩ xảo bom tấn hay các trường đoạn kịch tính gây ấn tượng với người xem.Sự chậm rãi,đơn giản nhưng đầy ám ảnh mang đến một câu chuyện chân thực nơi những con người hoàn toàn có thật phải vật lộn, đấu tranh trước ranh giới của sự sống cái chết, cũng vì thế mà ngay từ đầu Chernobyl đã mãi mãi không thể có một cái kết có hậu.

Chernobyl (2019): "Cái giá của lời nói dối là gì?"

Sự tài tình của nhà sản xuất, biên kịch Craig Mazin khiến từng thước phim như một chuỗi tài liệu với đầy đủ dốc mấu thời gian, địa điểm, làm sáng tỏ những gì sâu thẳm nhất của một tảng băng chìm mang tên Chernobyl.Một số khán giả sau khi xem xong sẽ nghĩ phim bị cường điệu, hư cấu bởi có rất nhiều chi tiết con người thời nay ít được chứng kiến nhưng tất cả đều là lịch sử một lịch sử đen tối mà không ai muốn nó lặp lại. Việc giúp làm rõ được bản chất của phim đem lại khiến Chernobyl tận dụng tốt cảm xúc của người xem. Chắc chắn bất kì ai cũng sẽ phải nín thở, rùng mình trước những gì đang xảy ra trong phim từ việc chỉ nghe qua các số liệu ớn lạnh của vụ nổ đến tận mắt chứng kiến hàng trăm người lính, thợ mỏ không ngại hi sinh mạng sống của mình bước vào khu vực phóng xạ nguy hiểm, tất cả họ dù là phim hay hiện thực đều chắc chắn phải đối mặt với hoặc là chết ngay lập tức, hoặc là không thể sống quá tuổi 40.Máy móc, robot hoàn toàn có khả năng thay thế họ nhưng cay đắng rằng ngay cả đến chúng cũng không thể đứng vững trước lượng phóng xạ khổng lồ, chính vì thế những con người với lòng quyết tâm,ý chí sắt đá đã lấy cuộc đời mình ra để đánh cược với tử thần.

Câu nói “Các anh chỉ có 90 giây” hay”Sau này chúng tôi có được chăm sóc không?” cùng câu trả lời ” Tôi không biết ” càng khiến chúng ta cảm thấy xót thương cho số mệnh của họ.Hàng triệu người từng sống qua thảm hoạ này nợ lời cảm ơn với những chiến binh quả cảm ấy. Ngoài ra chúng ta còn được chứng kiến một mảng sự thật cực kì quan trọng bị che dấu trong lịch sử đó là hành trình vượt qua sự đe doạ đến từ chính phủ Xô Viết nhằm ngăn cản nhà khoa học Legasov cùng các cộng sự nói lên sự thật. Đáng nhẽ ra họ phải được tôn vinh,được ca ngợi bởi chính hành động quyết đoán của mình nhưng không, chỉ vì cái sự gọi là “Thanh danh chính phủ và nhà nước”, những nhà khoa học phải đấu tranh giữa lương tâm cùng với sự đe doạ tính mạng của bản thân, gia đình.

Chernobyl (2019): "Cái giá của lời nói dối là gì?"

Thông điệp về sự quan trọng khi nói lên sự thật,hậu quả không lường trước của dối trá, che dấu, chủ nghĩa thành tích được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt 5 tập phim,thậm chí nó còn được nhấn mạnh hơn cả những gì thảm hoạ Chernobyl gây ra:”Mỗi lời nói dối đều sẽ tạo ra một khoản nợ với sự thật và sẽ phải trả giá”. “Sự thật vẫn luôn ở đó và chờ đợi dù chúng ta có nhìn thấy hay không, lựa chọn thế nào…”. Nhân vậy nữ đầy mạnh mẽ Ulana Khomyuk là ví dụ tiêu biểu cho những nhà khoa học dám đứng lên nói ra tất cả để các nhà cầm quyền nhìn nhận được sai lầm và buộc phải thay đổi.

Vốn dĩ cô không phải một nhân vật có thật trong lịch sử, Khomyuk là một sự sáng tạo mà nhà sản xuất tạo ra dựa trên sự dũng cảm của nhiều khoa học chân chính. Cuộc đấu tranh của Legasov, Ulana Khomyuk như những mảnh màu tươi sáng đầy ắp công lý, lương tri nổi bật lên trong thời đại u tối bấy giờ. Đồng thời là lời khẳng định đanh thép cho rất nhiều hành động hời hợt, sai lầm,thiếu quyết đoán cùng với vô vàn lời nói dối trắng trợn của chính phủ và những người chịu trách nhiệm trực tiếp cho một thảm hoạ mang tính toàn cầu. Sự nhân văn trong Chernobyl cũng được đề cao khi nó không chỉ khắc hoạ bi kịch của các nhà khoa học nói lên sự thật mà còn phản ánh tác động thảm hoạ gây ra cho con người, thiên nhiên.

Chernobyl (2019): "Cái giá của lời nói dối là gì?"

Đoạn phim đầy cảm động về một bà lão đã bước qua nhiều cuộc chiến không cam chịu rời khỏi căn nhà gắn bó với mình một thế kỷ hay câu chuyện về anh lính trẻ chịu trách nhiệm tiêu huỷ động vật Chernobyl không nỡ xuống tay với đàn chó con mới sinh phải nhờ đến đồng đội chắc hẳn sẽ là khoảng lặng cảm xúc mà không mấy ai có thể cầm được nước mắt.

Về diễn xuất, các diễn viên của phim cực kì thành công khi lột tả được cảm xúc mà mỗi nhân vật họ đảm nhận cần có. Ba diễn viên Jared Harris, Stellan Skarsgard, Emily Watson là ba điểm sáng nhất đóng vai trò quan trọng trong thành công phim mang lại. Từng ánh mắt, cử chỉ, hành động của họ thực sự chạm đến những khán giả yêu điện ảnh.

Tuy thành công là như thế nhưng Chernobyl vẫn vấp phải một số hạt sạn không đáng có mà tiêu biểu chính là việc sử dụng ngôn ngữ Anh – Nga dẫn đến bị vài chi tiết bị rối. Theo mình phim nên sử dụng hoàn toàn tiếng Nga thì sẽ hoàn hảo hơn.


Tác giả: Pham Minh Nguyen