Chicago Typewriter (2017): Nếu có kiếp sau bạn sẽ là người như thế nào?

Các cậu thường nhìn vào yếu tố gì để lựa chọn một bộ phim? Diễn viên, nội dung, chất điện ảnh, và rating hoặc điểm IMDb? “Chicago Typewriter” có tất cả những điều trên một cách gần như hoàn hảo, chỉ trừ rating, vì nó chỉ sở hữu con số khiêm tốn đủ để bị gọi là flop. Tớ cũng đã từng vì rating phim quá thấp nên bỏ qua nó vào năm 2017, để rồi gần đây đã vô tình bị hấp dẫn bởi bối cảnh cùng tạo hình nhân vật vào những năm 1930, và sau 2 ngày rưỡi với 16 tập phim, tớ biết linh cảm của mình đã đúng. “Chicago Typewriter” là một tác phẩm nghệ thuật đáng được nâng niu và trân trọng nhiều hơn nữa, bởi khi kết thúc tớ đã biết nó sẽ còn nằm ở trong trái tim và tâm trí tớ lâu rất lâu với rất nhiêu dư âm.
Nội dung
Thật sự nội dung của “Chicago Typewriter” rất hay, không quá plot twist nhưng sáng tạo vừa đủ. Đó là câu chuyện của ba con người dở dang ở những năm 1930, và được mở ra một lần nữa bởi chính họ ở kiếp sau, năm 2017. Một nhà văn tài năng nhưng chọn sai cách để thúc đẩy bản thân, một cô gái giỏi giang nhưng làm điều gì cũng bị những tổn thương tâm lý ám ảnh, và một anh chàng bí ẩn. Kiếp trước họ là những thanh niên yêu nước chống Nhật, hy sinh cả thanh xuân, tuổi trẻ và hạnh phúc để mong mang lại tự do cho đất nước. Tại sao người ở kiếp này lại cứ vướng bận và tìm cách mở lại quá khứ? Phim có một đoạn rất hay nói về điều này. Con người khi chết đi sẽ uống nước sông Mạnh Bà để quên đi, nhưng khi đi qua dòng sông ấy, có người sẽ ngoảnh đầu lại, và thế là những mảnh ký ức từ kiếp đó sẽ theo họ đến kiếp sau. Ngoảnh lại vì ở kiếp đó họ còn nhiều oán hận, đau đớn, và có một ai đó không thể quên.
Tại sao phim lại bị đánh giá thấp?
Thật ra tớ khá hiểu tại sao phim lại có rating thấp, bởi mấy tập đầu khá… lạc quẻ so với mạch phim. Nó cứ như một thể loại rom-com bình thường với nam chính tính cách khó chịu và nữ chính gặp khó khăn nhưng lúc nào cũng vui vẻ điển hình của phim Hàn ấy. Nhưng tầm từ tập 5 đổ đi, phim sẽ mang lại cho các cậu rất nhiều. Nếu các cậu tin vào mắt chọn phim của tớ, thì hãy kiên nhẫn, và 11 tập còn lại của “Chicago Typewriter” sẽ dắt các cậu lạc vào thế giới của hai thế kỷ 20 và 21.
Mạch phim kể từ tập 6 bắt đầu rõ ràng hơn, không quá nhanh nhưng vừa đủ để khán giả không rời mắt được khỏi màn hình. Quá khứ dần được hé lộ, và nhân vật cũng từng bước phát triển một cách hợp lý. Nam chính Han Se-ju từng làm 90% người xem bực bội ở đoạn đầu bởi tính cách ích kỷ, khó chịu trưởng thành hơn qua từng tập phim. Công nhận là kiểu nhân vật này lúc nào cũng có câu chuyện phía sau thúc đẩy mình trở nên tiêu cực như thế, Seju cũng thế nhưng biên kịch đã dẫn dắt Se-ju thay đổi rất thuyết phục, với sự trợ giúp của cả hai nhân vật chính còn lại, là Jeon Seol và Yoo Ji-noh. Cả Jeon Seol và Ji-noh cũng đều được phát triển rất hay, dù không quá nổi bật như Han Seju nhưng sau khi kết thúc phim nhìn lại, cả ba đều trở nên tốt đẹp hơn, đủ để tự tin sống hạnh phúc.
Có một điều khá hay nữa là, họ của hiện tại rất khác với chính mình của kiếp trước về mặt tính cách, nhưng sâu thẳm bên trong, những điều cốt lõi nhất làm nên nhân vật vẫn xuyên suốt dù ở khoảng thời gian và không gian nào. Han Seju vẫn đầy kiên nhẫn và hy sinh như Seo Hwi-yeong, Jeon Seol vẫn kiên cường dũng cảm như Ryu Suh-yeong, và Yoo Ji-noh vẫn dịu dàng đầy cảm xúc như Shin Yul. Tuy nhiên, cuộc đời và số phận của ba người đã đều thay đổi so với kiếp trước, và chính họ tự tạo ra sự khác biệt ấy. Không còn những chịu đựng, những trốn tránh, những lời nói dối, và những điều chưa thể nói ra. Hạnh phúc mà những nhân vật có ở hiện tại là do tự mình nắm lấy, dũng cảm làm điều mình muốn, và yêu người mình muốn yêu.
Diễn xuất
Nếu được chấm điểm cho dàn diễn viên thì tớ sẽ cho 100/10. Phim có thể chệch nhịp ở đoạn đầu, còn tất cả nhân vật đều được diễn tả rất trọn vẹn cả bộ phim nhờ diễn xuất của những diễn viên cực kỳ có năng lực, đặc biệt là ba diễn viên chính bao gồm cặp đôi Ảnh Đế – Ảnh Hậu của giải thưởng Rồng Xanh.
Xoay chuyển giữa thời hiện đại và quá khứ khác biệt vô cùng mà ai diễn cũng rất mượt. Tớ nghĩ tớ có viết 1000 trang cũng không diễn tả được hết màn trình diễn tuyệt vời của Yoo Ah In. Đúng là không phải tự nhiên anh trở thành Ảnh Đế trẻ tuổi nhất lịch sử giải điện ảnh danh giá Rồng Xanh. Ở Yoo Ah In có một điều gì đó làm người ta không thể rời mắt được khi anh diễn, một kiểu khí chất cuốn hút từng khung hình một. Sẽ không có ai diễn được một Han Se-ju, đặc biệt là một Seo Hwi-yeong hoàn hảo đến từng ánh mắt như thế. Các cậu có tin không, tim tớ thật sự loạn nhịp với BẤT KỲ một phân cảnh nào của Seo Hwi-yeong. Đã lâu lắm rồi mới được xem một nhân vật phim Hàn mà ngầu từ đầu đến cuối như thế, ngầu thật sự đúng nghĩa chứ không phải kiểu cố tỏ ra như một vài phim đâu. Im Soojung diễn một Jeon Seol ở mức độ ổn còn Suh-yeong của quá khứ thì hoàn hảo như đo ni đóng giày. Lúc Su-hyeong bắn súng và khi nhìn Hwi-yeong xao xuyến con tim lắm huhu. Go Kyung-pyo diễn tốt, chắc tay hơn Reply 88 kha khá rồi. Chemistry của ba người dù ở thời nào cũng dễ thương lắm ấy, đặc biệt là cặp chính. Chắc vì hai anh chị đều diễn tốt quá mà mối tình ở phần nào cũng bùng nổ. Chuyện tình kéo dài hai kiếp của hai người này hay đến mức tớ sẽ phải dành một bài viết riêng.
Nhạc phim
Cinematography cùng OST của “Chicago Typewriter” đều là những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Tất cả đều được chăm chút từng chút một, cùng nhau khiến người xem cảm thấy đây là một bộ phim mang rất nhiều tâm huyết của cả đoàn làm phim. Tớ rất thích những bộ phim làm mình cảm nhận được tình yêu điện ảnh và sự tôn trọng khán giả tuyệt đối như thế.
Màu phim
Màu sắc phim ở hai khoảng thời gian rất khác nhau, bởi tình hình lịch sử thời chiến loạn và hòa bình vốn đã không thể giống nhau. Những cảnh phim ở kiếp này vì thế mà nhẹ nhàng, bình yên và hài hước hơn nhiều so với những năm 1930. Ở trong quá khứ, các nhân vật phải hy sinh mọi thứ để tập trung vào chiến đấu dành lại độc lập, nên những lúc không thể nhìn vào mắt nhau nói thật lòng mình đều rất đau lòng.
Nhưng những con người trẻ tuổi vẫn luôn tìm được niềm vui trong lúc khó khăn để làm động lực giúp bản thân tiếp tục kiên trì, và phân cảnh như thế cứ như tia sáng nổi bật giữa một màn đêm đen kịt vậy. Xem mà thấy thương ơi là thương luôn ấy, nhất là lúc binh đoàn thanh niên tuyên bố chịu khổ sao cũng được miễn là đất nước tự do, con em mình sau này được ấm no. Dù không nói về đất nước của mình nhưng tớ biết, trong thời chiến tranh, ở đâu cũng có những con người chấp nhận hy sinh một cách tình nguyện như vậy để đem lại độc lập cho dân tộc. Chính vì thế, xem xong phim tớ lại càng quý trọng hòa bình đang có của Việt Nam, thời đại bình yên không bom đạn, không đô hộ nhờ ơn các chiến sỹ thầm lặng như thế. Đây cũng là một trong những điều ý nghĩa nhất mà “Chicago Typewriter” mang lại cho người xem, dù có đến từ đất nước nào.
Tổng kết
“Chicago Typewriter” là một tác phẩm đem lại cho tớ rất nhiều cảm xúc khi khép lại. Nó khiến tớ trân trọng nỗ lực của những người đi trước để đem lại bình yên của hiện tại, để tự mình sống sao cho xứng đáng với những hy sinh ấy. Phim cũng giúp tớ yêu việc viết lách và đọc sách hơn, vì như Han Seju, viết là khi mình thật sự hạnh phúc. “Chicago Typewriter” là một bộ phim xứng đáng để các cậu cho nó một cơ hội, vì những giá trị và cảm xúc mà nó mang lại sẽ ở lại mãi với mình.