Intimate strangers (2018): Có những bí mật chỉ điện thoại mới biết

Intimate strangers là lần remake thứ 18 của phiên bản gốc Perfect strangers (2016) của Ý, lần thứ 19 sẽ là của Việt Nam trong năm 2020 với tên gọi Tiệc trăng máu. 117 phút của phim là cuộc gặp gỡ giữa bảy người bạn thân từ nhỏ, trong đó có ba cặp đôi, trên bàn ăn tối của bữa tiệc tân gia đã quyết định chơi một trò chơi mạo hiểm: tất cả phải để điện thoại lên bàn, nếu có cuộc gọi hay tin nhắn đến thì phải công khai với mọi người. Và từ đây những lời nói dối, những câu chuyện chưa kể giữa bảy người bạn tưởng chừng như biết rõ về nhau nhất, dần được hé lộ.
Trò chơi Russian Roulette với ổ đạn nạp đầy
Nếu ở nước Nga, người ta chơi trò Cò quay Nga với chiếc súng lục chỉ có duy nhất một viên đạn thì trên bàn ăn này, một phiên bản đấu trí của trò Cò quay Nga với cơ hội sống sót bằng 0 cho tất cả các người chơi. Bởi vì “mỗi chúng ta đều sống ba cuộc đời: một cuộc đời công khai, một cuộc đời riêng tư, một cuộc đời bí mật” – trên thế gian này, không ai là không có bí mật. Vậy nên mặc dù phim không có một phát đạn hay cuộc rượt đuổi nào, thậm chí được liệt vào thể loại phim hài, nhưng lại hồi hộp và kịch tính như đang chơi trò Cò quay Nga mỗi khi chuông điện thoại reo lên, nghĩa là một bí mật nữa sắp bị phơi bày.
Một bộ phim thân thiện
Vì sao mình nói Intimate strangers thân thiện, vì rất dễ dàng bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của bản thân, của bạn bè, người yêu trong hình tượng mỗi nhân vật, lời nói, lối hành động của họ. Tức đây là một bộ phim được tạo ra để lắng nghe và tâm sự với chúng ta, đặc biệt là về cái giá của sự trưởng thành – điều chúng ta đang tiếc nuối và e sợ mỗi ngày. “Mình cũng có bí mật kiểu như vậy”, “có lẽ mình cũng sẽ nói thế nếu mình là anh ấy”, “những người bạn của mình thỉnh thoảng cũng cư xử như vậy”,…
Tất nhiên không thể không kể đến những cú plot twist lên xuống như tàu lượn siêu tốc, một yếu tố quan trọng giúp một bộ phim nghe chừng đơn giản như IS có thể trở nên kịch tính và cuốn hút bởi những cuộc rượt đuổi tâm lý khiến bạn không thể rời mắt khỏi thái độ của nhân vật, không thể bỏ sót một lời thoại hay dừng ngẫm nghĩ về những câu nói tưởng như bông đùa nhưng lại là những ám chỉ mang đầy sự chiêm nghiệm. Vậy nên mặc dù là một bộ phim chỉ hầu như chỉ gói gọn trong không gian quay là phòng khách, trên bàn ăn với những cuộc hội thoại không ngừng nghỉ, IS lại không quá kén người xem một chút nào.
Đây là một bộ phim chắc chắn sẽ làm bạn cười, nhưng bên cạnh đó nó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ khá nhiều, phải soi xét lại những bí mật của bản thân trong lo sợ. Nhưng mà có đau đầu không? Không, đó là sự chiêm nghiệm, không phải đau đầu. Ý là mình thấy một bộ phim có thể khiến mình phải suy nghĩ cũng là một bộ phim thành công và công cuộc xem phim có hiệu quả đấy chứ.
Mà các bạn có bao giờ tự hỏi ai là người hiểu mình nhất, biết rõ về mình nhất không?
Ở thời đại này, qua bộ phim này, bạn sẽ nhận được câu trả lời vô cùng hiển nhiên: đó là chiếc smartphone (tui chọn cái poster này vì nó chuẩn đét). Đạo diễn Lee Jae Gyu nói rằng: “Cái smartphone là người bạn thân nhất của tui. Dường như nó biết rõ về tui nhất, nhưng đôi khi tui lại muốn tránh xa nó.” Còn chú xấu Yoo Hae Jin nói rằng: “Smartphone là vật riêng tư, cũng như mọi người đều cần một không gian của riêng mình”. Tuy nhiên với mình, vượt lên cả sự cảnh báo về mặt trái của sự phát triển công nghệ, thông điệp rõ ràng hơn cả của phim là không phải việc chia sẻ sự thật lúc nào cũng cần thiết. Một sự thật sau khi được phơi bày thường dẫn tới hai cái kết: hoặc mối quan hệ sẽ trở nên khăng khít hơn bất cứ lúc nào, hoặc sẽ không có “người quen” nào cả.
Tựa phim gốc Perfect strangers với 7.8/10 điểm từ gần 50.000 lượt bình chọn trên IMDb và 82% Audience score trên Rotten Tomatoes. Mình đang suy nghĩ về việc xem bản gốc nhưng sẽ rất khó để xem mà không có phiên kiến sau khi đã xem bản remake rồi, cũng có khá nhiều ý kiến khen bản Hàn hay hơn. Mình thì thấy thích tựa tiếng Anh của bản Hàn hơn, dịch ra tựa Việt cũng khá sát (Người quen xa lạ), nhưng tựa tiếng Hàn thì lại đúng sát với bản gốc là Người lạ hoàn hảo. Trong năm nay Việt Nam sẽ cho ra bản remake với cái tên hoàn toàn không liên quan đến những versions cũ, nhưng nếu ai xem phim rồi sẽ thấy tên Tiệc trăng máu có ý nghĩa mật thiết đến nội dung phim. Tuy nhiên cái mình không thích ở các bản remake của Việt Nam đó là “real parody”, bối cảnh (và) văn hoá cũng được làm lại y nguyên phim nước ngoài, khiến phim không thân thiện với khán giả Việt chút nào.
Dàn cast của bản Hàn này thì không còn gì phải bàn tới. Lời thoại phim thì nghe qua thấy vui vui nhẹ nhàng nhưng cực kỳ sâu sắc, đủ quote cho các bạn đăng caption sống ảo cả năm lun. Có một đoạn hội thoại mà mình rất thích nhưng không up được vì sẽ spoil nên các bạn hãy tự xem và tìm hiểu nhé.
Tác giả: Thao Hoang