Mad Max 4: Fury Road (2015)

Mad Max 4 – được nhận xét là phần hay nhất trong series Mad Max – một trong những bộ phim vĩ đại nhất trong khoảng thời gian từ 2010 tới 2020. Đây chính là một siêu phẩm dù kéo dài tới tận 2 tiếng với gần hết các cảnh hành động, nhưng với lối dẫn phim tài năng của đạo diễn Geogre Miller – thì các cảnh đua xe, các pha đấu súng lại được diễn tả một cách lôi cuốn, sức hút, không khiến cho khán giả cảm thấy chán chường, nhạt nhẽo. Bối cảnh phim rất đơn giản – khi cả thế giới chỉ là một hoang mạc, một vùng đất chết khô cằn.
Vào bộ phim, bạn sẽ chẳng phải quá chú tâm tới từng chút tâm lí yêu đương, sợ hãi,… nhân vật, cũng như chẳng chú tâm tới những pha tâm lí giữa người với người như khi xem các bộ phim khác; Tất cả cảm xúc của bạn khi xem Mad Max 4, sẽ chỉ có : sự tận hưởng và sự hồi hộp.
Đây không phải là một bộ phim nói lên một xã hội, hay nói lên một ý nghĩa nhân văn cao thượng, nhưng tại sao nó vẫn thuyết phục được người xem nếu nó chỉ đơn thuần là một bộ phim hành động thông thường? Hay tại sao nó lại có được tới 6 giải Oscar cũng như được khen ngợi bởi những vị đạo diễn xuất sắc nhất, hay những nhà phê bình khó tính nhất? Cũng chính vì lí do đó, vì sự hoàn hảo đến khó cưỡng của từng pha hành động trong cả bộ phim.
Từng phút, từng giây trong phim giống như là cả một bức ảnh nghệ thuật, đẹp đến từng chi tiết, từng đường nét, cũng như hoàn hảo cho đến từng góc quay, từng biểu cảm của diễn viên hay đương nhiên là những màn âm thanh đầy đặc sắc, sống động đối với người xem. Bộ phim đã nhận được vô số những cơn mưa lời khen từ nội dung cho tới tính nghệ thuật đặc sắc – là một tác phẩm hành động đáng để học hỏi hơn hết đối với tất cả những bộ phim khác.
Và đương nghiên, đã nhắc tới nghệ thuật của Mad Max 4 – thì không thể không nhắc đến phong cách thời trang mà bộ phim đã mang lại – cá tính và đặc trưng, cũng chính là niềm cảm hứng của rất nhiều những bst thời trang trên toàn thế giới.
Không chỉ vậy, Mad Max 4 còn gây ấn tượng với người xem qua một số câu thoại rất chất, điển hình nhất là câu : “Oh, What a day! What a lovely day!” hay câu “I live! I die! I live again!” – của nhân vật Nux. Và cá nhân tớ mà thấy, dù Nux chỉ là nhân vật phụ, nhưng lại chính là người có tính nghệ thuật đặc sắc, làm nhấn lên được phong cách riêng của bộ phim nhất. Từ qua gương mặt, biểu cảm, hành động, phong cách lẫn qua từng lời nói, Nux thể hiện được toàn bộ sự nghệ thuật trong thế giới của Mad Max 4 điên cuồng, hoang dã đến như nào.
Trong quá trình tạo ra hình ảnh của bộ phim, đạo diễn George Miller đặt ra hai quy định cho đội ngũ sản xuất để làm theo. Thứ nhất là quay phim sẽ thực hiện nhiều màu sắc nhất có thể để phân biệt với các bộ hậu tận thế khác ( thường có gam màu ảm đạm ). Thứ hai là chỉ đạo nghệ thuật làm càng đẹp càng tốt, vì theo lý luận của Miller: những người sống trong thế giới hậu tận thế sẽ cố gắng để tìm thấy bất cứ thứ gì đẹp đẽ trong môi trường khắc khổ, hạn chế của họ.
Các thiết kế của bộ phim, bao gồm trang phục, các phương tiện, vũ khí, hóa trang và ngôn ngữ, phải được thống nhất bởi cùng một bộ quy tắc. Một trong những quy tắc đó là: mọi thứ đều phải đẹp cho dù khung cảnh phim diễn ra trong một khu đất hoang. Bất cứ điều gì sống sót trên đất hoang đều phải được trân trọng.