Money Heist (La Casa De Papel): Xứng đáng được nhiều hơn là một series Netflix

Giới thiệu sơ qua về La Casa de Papel, một series phim của Tây Ban Nha thuộc thể loại hành động, hình sự, ly kỳ; chủ đề tâm lý tội phạm; nội dung xoay quanh kế hoạch ăn cướp triệu đô của một băng cướp nhân đạo được dẫn dắt từ xa bởi người khai triển kế hoạch là Professor (Giáo sư). Series gồm 4 phần, hiện tại vẫn chưa kết thúc, với 2 phần đầu là vụ cướp xưởng in tiền Hoàng gia Tây Ban Nha; 2 phần sau là vụ cướp kho vàng ngân hàng chính phủ Tây Ban Nha với động cơ kháng chiến và trả thù. Nếu các bộ cùng thể loại khác là những cuộc đi săn không ngừng thì trong La Casa, xuyên suốt 4 mùa gồm 37 tập phim chỉ có duy nhất 2 vụ cướp, cuộc đi săn kịch tính chính là quá trình băng nhóm cố thủ trong nơi đang bị lực lượng cảnh sát vây kín ấy đến cả chục ngày cho đến khi mang số tiền cướp được ra ngoài.
Thể loại phim ăn cướp ăn trộm có thể nói là rất dễ chiếm cảm tình của khán giả, trước La Casa đã có nhiều bộ kinh điển ra đời. Các bạn sẽ bắt gặp những thành viên băng đảng lẫy lừng, ra tù vào tội, những bộ óc thiên tài, thông minh, khác người hay một số khác thì biết chơi ảo thuật… Còn La Casa không sở hữu những yếu tố đó vì biên kịch làm phim với motto chân thực, hết mức có thể. Có thể thấy bộ cùng thể loại được đem ra so sánh với La Casa nhiều nhất, thậm chí còn có tranh cãi, chắc các bạn xem phim cũng biết đó là Prison Break. Cho dù có “hay” bằng hay kém thì phải công nhận một điều, được cân nhắc bên cạnh Prison Break đã là một lời khen ngợi gián tiếp vô cùng lớn đối với La Casa rồi. Tuy nhiên bài viết này không phải để so sánh Giáo sư với tượng đài chơi trick Michael Scofield.
La Casa de Papel là một bộ phim chân thực, không phải một vụ cướp chân thực
Phim ăn cướp ăn trộm mà lại chân thực được? Cái luận điểm này và luận điểm iconic bạn sẽ đọc ở bên dưới, mình đã đúc kết từ phần 1 nhưng không ngờ đến lúc xem xong phim tài liệu của phim (được phát hành cùng phần 4) thì mình thấy nó lại được khẳng định một lần nữa. La Casa chân thực là vì các hình tượng xây dựng trong phim là chính chúng ta: nóng nảy, cảm tính, yếu đuối, ích kỷ, hy sinh, dũng cảm… không phải là thiên tài, hay có kỹ năng vượt trội gì cả, ngay cả nhân vật đầu não là Professor cũng run bần bật mỗi khi sắp “toang”. Thậm chí bộ phim còn chẳng có cái teamwork cơ bản cần thiết trong các bộ cùng chủ đề các bạn hay xem. Teamwork phối hợp ăn ý, yêu thương nhau như gia đình ư? Không, Dalí (tên gọi của băng cướp trong La Casa) thì ngay cả trong lúc dầu sôi lửa bỏng cũng chửi nhau và sẵn sàng dí súng vào đầu nhau mỗi 5 phút. Quá trình diễn biến tâm lý lên xuống của nhân vật khiến cho người xem cũng như ngồi trên đống lửa, tuy nhiên đây vừa là động cơ cho những diễn biến tiếp theo của phim, vừa là minh chứng cho thấy bộ phim không chỉ có chiều rộng mà có cả chiều sâu. Ngoài ra nếu xem phim tài liệu của La Casa các bạn sẽ thấy, đạo diễn còn đòi hỏi sự chân thực trong những chi tiết về kỹ thuật một cách logic.
La Casa de Papel là một bộ phim chân thực, không phải một vụ cướp chân thực bởi vì tất nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của đạo diễn để bảo đảm tính chân thực của phim, mình nghĩ đã là phim hình sự thể loại này thì không thể bỏ qua những yếu tố bắt buộc để cầm lửa, giữ chân người xem. Nên nếu cảm thấy quá phi lý thì hãy tìm đến những bộ tâm lý sẽ dễ làm phim với motto chân thực 100% hơn.
La Casa de Papel không chỉ là một series Netflix
Vì nó quá iconic. La Casa nói chung và băng nhóm Dalí có bộ nhận diện đủ để run một cái brand về thời trang chẳng hạn, cho dù bạn có không biết La Casa hay Dalí là cái gì đi nữa. Màu đỏ chủ đạo của băng cướp là màu gây hiệu ứng mạnh vào thị giác và tác động tâm lý, có nhiều loại ý nghĩa khác nhau. Màu đỏ được sử dụng trong cả sản phẩm truyền thông của phim và mình cực kỳ cực kỳ thích mấy cái poster và cả artworks nói chung, paintings các thứ trên official Instagram của phim. Nhưng cái mình thích nhất đó là cái mặt nạ Dalí, được lấy cảm hứng từ hoạ sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dalí, một trong những hoạ sĩ gây ảnh hưởng nhất thời kỳ đầu trường phái siêu thực, thế kỷ 20. Salvador Dalí còn được biết đến là một hoạ sĩ quá là kỳ dị, tranh của ông kiểu nằm giữa ranh giới của hiện thực và ác mộng. Và trùng hợp là ổng đã từng dùng súng bắn vào màu từ xa để vẽ tranh thay cho cọ bút bình thường. Ban đầu nhìn cái mặt nạ đó mình vừa thấy sợ, vừa thấy hay, nhưng chắc chắn là mình thích, mình không thấy nó quá đáng sợ như mặt nạ Saw, cũng không quá bí ẩn như Anonymous. Nếu bạn thử nhìn lại cái mặt nạ đó và bắt trước cái biểu cảm trên đó xem (nhướn mày, nhăn trán, trợn mắt, trề môi), giờ thì trông bạn như đứa đần đang doạ trẻ con. Khi biết về ý nghĩa của Dalí mình còn thấy cái râu đó quá ư là nghệ thuật) Mình có đọc được là hồi đó bộ râu của Dalí nổi tiếng đến mức hồi đó nếu vẽ râu lên bì thư là biết liền ai gửi và gửi đến ai ý.
Và tất nhiên không thể nhắc đến bài hát chủ đề của phim: Bella Ciao – sống dậy với tinh thần kháng chiến của nó. Mặc dù là phim Tây Ban Nha nhưng là bài hát của Ý, bắt nguồn là từ cuộc nội chiến chống phát xít tại Ý chứ chẳng liên quan gì đến TBN. La Casa đã đưa bài hát trở thành niềm cảm hứng kháng chiến không chỉ dừng lại ở các phong trào biểu tình lớn mà còn có thể làm nhạc chuông truyền cảm hứng cho bạn chiến đấu với cơn buồn ngủ lúc phải thức dậy nữa. Vốn dĩ là một bài hát thời chiến nhưng giờ đã trở thành mật code cho những người cùng đam mê nhận diện nhau rùi. Các bạn hãy xem phim tài liệu để biết độ phổ biến của bài hát này sau phim như nào nhé. Và không thể không nói đến, soundtrack của phim thật sự đỉnh đối với mình. Không phải phim bắn nhau thì toàn nhạc hầm hố đâu các bạn ạ, toàn là nhạc jazzy, trữ tình đằm thắm cũng có, sôi động quẩy lên vui vẻ cũng có, đặc biệt những cảnh slowmotion hay cho dù chuẩn bị bước vào trận chiến, background là nhạc thính phòng Beethoven, cùng với tiếng kèn Harmony của Helsinky đằng sau súng máy, thật sự ám ảnh. Mình sẽ up một số bài ở dưới, nhiều bài được phối lại hoặc chỉ dùng instrumental nên các bạn không để ý thui.
Về cái tên “la Casa de Papel”, trong tiếng Tây Ban Nha “casa” là nhà, “papel” là giấy, có thể dịch sang tiếng Anh là The house of paper, The paper house. Mình nghĩ cái tên này có hai tầng ý nghĩa, đầu tiên là cái nhà mô hình bằng giấy mà Giáo sư sử dụng để training về kế hoạch trong cả hai vụ cướp, sau đó là những ngôi nhà thật chứa tiền là giấy. Từ ngôi nhà giấy cho đến ngôi nhà thật, rõ ràng tên gốc tiếng Tây Ban Nha có ý nghĩa sâu xa hơn, tuy nhiên có lẽ để đảm bảo hiệu quả truyền thông cho phim ở nước ngoài mà tên tiếng Anh của phim không có liên quan gì đến tên gốc: Money Heist, nghĩa là Vụ cướp tiền, làm bao nhiêu sự tinh tuý của tên phim gốc bay biến mất, tuy nhiên đổi lại thì khán giả có xu hướng click vào một phim có tên Money Heist hơn là The House of Paper nhỉ? Còn mình, từ đầu đến hết bài viết mình dùng tên ngắn gọn La Casa vì mình thích tên tiếng TBN hơn. Bộ phim cũng là cảm hứng để mình quyết tâm sẽ học lại tiếng Tây Ban Nha sau khi đã gave up vì nó rất lằng nhằng.
Cảm nhận sau xem phần 4 (Spoiler)
Mình nghĩ đây là season khó xem đối với ai không phải là fan La Casa hoặc đã không còn yêu thích phim kể từ season 3 rồi. Cá nhân mình thấy phần sau này biên kịch đã bẻ lái hoàn toàn. Ở 2 mùa đầu phim có nhiều cảnh hành động hơn mà mình rất thích, mình đã mong chờ sẽ được tiếp tục vừa nín thở vừa xem Helsinki xả súng máy, xem Tokyo bắn giáp lá cà. Nhưng ở 2 phần sau này rõ ràng phim có xu hướng đào sâu vào background và cảm xúc của từng nhân vật hơn, flashback nhiều hơn. Không còn nhiều trường đoạn đấu súng đã mắt nữa mà đấu trí nhiều hơn. Mình nghĩ đây là lối đi khá thông minh vì sao?
Thứ nhất, đây không phải kế hoạch đầu tiên của cả team, nên chắc chắn sẽ phải loại trừ đi kha khá các nước đi đã được dùng rồi. Chưa kể kế hoạch trước đã được Gíao sư dùng nửa cuộc đời để nghiên cứu, nên chắc chắn đã tính trước cả nghìn nước cờ. Nếu bạn để ý lúc nào Giáo sư cũng vừa làm việc với một bàn cờ vua bên cạnh, một ván cờ về lý thuyết có thể có tới 5949 nước đi. Tuy nhiên lần này Giáo sư không có đủ thời gian để tính toán cho ván cờ của mình nữa, “toang” là điều dễ hiểu. Việc Giáo sư gặp đối thủ ngang hoặc mạnh hơn cũng là cái mà ai cũng đoán trước rồi, anh Hùng là anh hùng chỉ khi có kẻ địch xứng tầm.
Thứ hai, không có lý do gì để những người làm nghệ thuật như biên kịch và đạo diễn lặp lại tác phẩm của chính mình hai lần để đảm bảo số lượt view cả. Tất nhiên nếu phần 3 4 cũng có cấu trúc y hệt phần 1 2 chưa chắc sẽ bị chê theo kiểu khác, là lối mòn hay không có gì mới mẻ. Và xin đừng đổ tội cho Netflix vì Netflix là nhà sản xuất, rót tiền cho budget làm phim, trong khi đó biên kịch không thay đổi. Từ một series truyền hình nội địa có lượt view cao nhất là tập đầu là 4.5 triệu người xem, không cả bằng MV ca nhạc Kevin Tuấn Minh, sau đó rớt xuống thậm chí là con số 0. Sau khi được Netflix mua lại cùng với sự nổi tiếng bất ngờ đến mức các diễn viên như đã đổi đời, La Casa được mong chờ tiếp diễn và chính nó cũng khao khát để được trở lại màn ảnh một lần nữa.
Cần phải nói thêm một điều. Mình nghĩ cho đến giờ phút này việc phim có từng flop ở hai phần đầu (khi Netflix chưa ngó ngàng tới) đã không còn quan trọng nữa rồi. Vì chính nó đã chứng minh thời điểm flop khi đó không phải là do bộ phim. Cho dù Netflix có mua lại hay push thế nào đi chăng nữa, nếu bản thân nó không phải là một bộ phim tốt thì không có lý nào trở nên thành công được như bây giờ.
Phần 4 không đạt tới kỳ vọng của mình, đúng, nhưng ai bảo không hay thì mình rút súng bắn bỏ. Đùa thui chứ sự thay đổi này của biên kịch đúng là không lường trước được, tuy nhiên lại được nhìn thấy Berlin nhiều hơn, thấy Dalí bonding gần gũi hơn. Mình nhớ cảnh Nairobi – cô gái chuyên đi xin giống – nằm trên thảm cỏ bình yên mơ về lúc có con, và cảnh đám cưới chỉ có 4 khách mời của Berlin, nghe giọng hát của Berlin mình đã hiểu phần phim này đang muốn gửi gắm điều gì rồi và bắt đầu cảm nhận theo một cách khác đi chứ không xem phim theo kỳ vọng của mình nữa. Mình thấy những chuyển biến lớn trong tâm lý nhân vật như là Rio đang trưởng thành hơn, không còn chỉ chạy theo Tokyo nữa (mình tin là Tokyo và Rio sẽ quay về với nhau, chỉ là Rio còn đang lớn lên). Denver cũng đang thay đổi tính nóng nảy của mình trước người vợ lần đầu tiên ddóng vai trò đồng nghiệp… Đặc biệt ở phần này, Berlin đã trở lại như một định nghĩa của: ăn cướp là nghệ thuật và người đi ăn cướp là một nghệ sĩ.
Lúc xem phim chắc mình hay gọi tên Professor nhất, hoặc có lúc thì thấy thích Tokyo, thích Nairobi… nhưng hôm qua lúc join một cái fanpage có hỏi mình thích nhân vật nào nhất á, mình ngẫm nghĩ rùi điền Mónica (Stockholm). Có vẻ ít người nhắc tới nhưng mình thích sự dám sống của Mónica, nhân vật khá giống với Lisboa khi còn là Raquel, khi yêu và được thực sự yêu. Một trong những cảnh mình thích nhất là lúc bà chị cầm súng lần đầu bắn như điên vào cảnh sát để cứu Tokyo và Rio, trước đó mấy phút còn phân vân không chịu làm hộ chiếu để bỏ đi cùng bắng cướp. Còn về tội đồ Tokyo thì mình không ghét, thỉnh thoảng tức tức thôi chứ mấy đồng đội nam chưa chắc đã tinh thần thép bằng Tokyo, mạnh mẽ, quyết đoán, kiểu người càng chèn ép càng nổi máu điên. Xem Tokyo cầm súng bắn nhau vừa đẹp vừa đã. Mấy khúc bắn chiến thuật Tokyo thường chỉ đạo nhiều nhất bên cạnh leader.
Điểm nhấn của phần này là những cú hoả tiễn đi vào lòng người theo đúng nghĩa đen, dành cho phe áo đen. Đúng với slogan của phim “this is so much more than a heist”, tội ác của phe áo đen và những cú chơi bẩn bị vạch trần. Hình ảnh mang tính đại diện này đối trọng với thông điệp kháng chiến của phe áo đỏ. Sự thay đổi từ một vụ cướp trở thành chiến tranh không bom đạn này, mình cũng không ngờ tới.
Nhân vật Giáo sư càng thể hiện rõ là con người chứ không phải cỗ máy. Và nerdy không có nghĩa là thông minh bẩm sinh đã có tài trí hơn người, kế hoạch của Giáo sư thành công đúng vì 99% luyện tập, nếu vụ cướp tiếp theo cũng dễ dàng như lần đầu thì mới là vô lý. Mình mừng mún rớt nức mắc khi biết chắc phim có season 5, mong là Lisboa sẽ thể hiện nhiều hơn chứ không phải chân gỗ như phần này nữa. Và để xem Palermo thực sự là ai.
Mình nghĩ trong lĩnh vực nghệ thuật, không có bộ phim nào hay nhất, không có bức tranh nào đẹp nhất hay bài hát nào tuyệt nhất cả, vì nghệ thuật là để cảm nhận và mang tính chủ quan, thậm chí có những tác phẩm đến ngay cả tác giả cũng không mang cho nó một ý nghĩa cụ thể, tức là tác phẩm ấy chỉ trở nên có ý nghĩa khi được cảm nhận và đặt vào đó những cảm xúc của người cảm thụ. Nên xem phim cũng vậy, nếu bạn cứ cho rằng phim A là hay nhất và cho rằng tất cả những bộ phim B, C, D không hay bằng thì không xứng đáng để được xem, thì có lẽ bạn đang bỏ lỡ rất nhiều điều tuyệt vời khác đó.
Một số soundtrack hay
- My life is going on – Cecilia Krull
- Stay by my side – Stephane Huguenin
- Bamboo Moon – The Muntants
- I can’t stop crying – Will Grove-white
- Your love – Kosinus
- Feeling good – Muse
- Be my baby – The Ronettes
- All you need to know – Howe Gelb
- Days like this – Van Morrison
- Who can it be now – Men at work
- Another sunny day – Belle & Sebastian
- You’ll never walk alone – Gerry & The Pacemakers
- Delicate – Damien Rice
- Wake up – Arcade Fire
- Broken coastline – Down Like Silver
- Carry on
- Haunted house – The Madcaps
- Amado Mio – Pink Martini
- Like a falling star – Michael McGregor, Marc Ferrari
- Ti Amo – Umberto Tozzi
Tác giả: Thao Hoang