Oldboy (2003): Bộ phim gây sốc bậc nhất của điện ảnh xứ Hàn

Oldboy là một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc ra mắt năm 2003 đạo diễn bởi Park Chan-wook. Bộ phim dựa vào bộ truyện tranh Nhật Bản cùng tên của hai tác giả Nobuaki Minegishi và Garon Tsuchiya. Oldboy là bộ phim thứ hai trong bộ ba phim The Vengeance. Đây là một trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc.
Nội dung
Khi tỉnh rượu, Oh phát hiện mình đang ở trong một căn phòng khách sạn rẻ tiền và mọi lối ra đều bị khóa chặt như nhà tù. Những thứ có trong phòng là một chiếc giường, một chiếc bàn, một nhà tắm và chiếc TV để bầu bạn. Ban đầu, Oh tưởng đây chỉ là một trò chơi khăm của bạn bè nhưng dần dần, ông chợt nhận ra mình đang bị cầm tù thực sự mà không hề có lấy một lời giải thích. Hằng ngày, thức ăn luôn được đưa qua khe cửa và mặc cho Oh ra sức hành hạ bản thân hay gào thét đòi được thả, căn phòng vẫn im phăng phắc.
Ngay từ những phút đầu tiên, khán giả đã bị lạc vào mê cung của những câu hỏi: “Tại sao Oh Dae-su lại bị bắt cóc?”, “Kẻ bắt cóc là ai?”, “Oh Dae-su đã làm những gì để nhận lấy sự trừng phạt ghê gớm ấy?”… Nhưng mặc cho Oh có van nài đến đâu hay người xem có tò mò đến nhường nào, đạo diễn Park vẫn là người cuối cùng nắm bản đồ thoát khỏi mê lộ ấy và chỉ để lại từng manh mối nhỏ trên đường đi để khán giả nắm lấy.
Cảnh phim ấn tượng
Các cảnh hành động trong phim không nhiều song đều được xây dựng một cách sáng tạo, chân thực và đẩy cảm xúc của khán giả lên ở mức cao nhất. Tiêu biểu cho sự đột phá ấy là cảnh trận chiến trong hành lang giữa Oh Dae-su với hơn chục tên du thủ du thực.
Trong cơn khát máu và nỗi căm hờn dồn nén suốt 15 năm, Oh lao vào tả xung hữu đột với chúng chỉ với một chiếc búa trên tay và không lùi bước dù có bị dao găm vào lưng. Dù độ dài chỉ gần bốn phút nhưng trận chiến đó được xem như một trong những cảnh hành động kinh điển của lịch sử châu Á, do đa phần được quay theo chiều ngang và chỉ quay liền một mạch không hề cắt cảnh hay sử dụng công nghệ chèn vào.
Tại sao Oldboy lại gây sốc?
Nhà phê bình phim quá cố Roger Elbert từng cho Oldboy điểm tối đa khi mới ra mắt và nhận xét đây là một bộ phim “đầy quyền lực, không chỉ ở nội dung mà còn ở độ sâu lòng dạ con người mà nó phơi bày một cách trần trụi”. Oldboy là một bộ phim không dành cho tất cả mọi người, không chỉ bởi những cảnh hành động máu me hay cảnh sex táo bạo khiến tác phẩm bị dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) mà còn bởi cái kết của nó thách thức mọi luân thường đạo lý trong văn hóa Á Đông. Không chỉ đập tan những giá trị truyền thống của người châu Á mà phương Tây cũng phải sốc trước những gì mà Oldboy chuyển tải.
Sốc, nhưng vẫn có thể hiểu được tại sao khi bộ phim đã dẫn dắt khán giả qua cả một hành trình đầy đủ với những uẩn ức trong quá khứ. “Cười, cả thế giới này sẽ cười với bạn. Khóc, bạn sẽ khóc một mình”, Oldboy ám ảnh những ai đã xem không chỉ bởi các tình tiết mà còn bởi những câu thoại hay phần nhạc nền như những điệu waltz dặt dìu.
Giải thưởng
Bộ phim đã dành giải Grand Pix tại Liên hoan phim Cannes 2004 và giành được sự đánh giá cao từ chủ tịch ban giám khảo, đạo diễn Quentin Tarantino. Bộ phim nhận được sự đánh giá cao tại Mỹ, Oldboy có 80% “Certified Fresh” đánh giá tại trang Rotten Tomatoes. Nhà phê bình phim Roger Ebert đánh giá Oldboy là một “bộ phim mạnh mẽ không chỉ vì những gì nó diễn tả, mà bởi nó đã lột trần được sâu thẳm trái tim con người”. Năm 2008, bộ phim được CNN bình chọn là một trong mười phim xuất sắc nhất của điện ảnh châu Á