What happened to Monday (2017): Phản ánh nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội

Tên phim “What happened to Monday” có lẽ sẽ khiến nhiều người khó hiểu khi chưa xem. “Monday” là một nhân vật trong phim.
Phim lấy bối cảnh Thế giới ở tương lai, khi không còn đủ thức ăn để cung cấp cho nhân loại nữa. Chính phủ đã đặt ra luật là mỗi gia đình chỉ được giới hạn sinh 1 con. Nếu là trường hợp sinh đôi trở lên, đứa chào đời trước sẽ được giữ lại còn đứa còn lại sẽ đem cho chính phủ để thực hiện quy trình “ngủ đông”.
Tất cả dân số còn lại đều được chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt bằng một loại vòng đeo tay đã mã hoá.
Tuy vậy, ông Terrence Settman (do Willem Dafoe thủ vai) có người con gái hiếm hoi hạ sinh 7 người con gái cùng một lúc, sau đó qua đời. Đứng trên vai trò là một người ông cũng như một người cha, ông không thể đứng nhìn 6 đứa cháu còn lại của mình bị đưa vào buồng ngủ đông được. Thế là ông chọn cách mạo hiểm là giấu chính phủ nuôi dưỡng cả 7 đứa.
Từng người được đặt tên theo các ngày trong tuần: Monday, Tuesday, Wednesday, Thursday, Friday, Saturday and Sunday. Cũng như mỗi người chỉ được ra ngoài vào đúng ngày theo tên của mình.
Nhưng “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, ông Settman không thể mãi che chở cho các cháu được.
Chính phủ cũng đang lần theo giấu vết của chuyện này và truy tìm họ.
Một ngày, đột nhiên cô chị Monday đột ngột biến mất. Và hành trình của 6 người còn lại vừa lẩn trốn, vừa tìm kiếm nguyên nhân sau sự mất tích chị mình bắt đầu…
Phim có nhiều plot twist bất ngờ, tình tiết phim lôi cuốn khiến người xem không thể rời mắt cùng các pha hành động khá mãn nhãn.
Đáng nói đến đây nhất là diễn xuất ấn tượng của Noomi Rapace, một mình đảm nhiệm 7 vai với 7 tính cách khác nhau.
Phim đề cao tình cảm gia đình.
Đôi lúc phim cũng khiến người xem rối mù không biết đâu là thật – giả, tốt – xấu. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, không biết bí mật gì ẩn giấu sau sự mờ mịt của chính phủ về quá trình “ngủ đông” mà họ tự đặt ra,…
Không những vậy, phim còn có kha khá chiều sâu về nội dung. Nói lên các vấn đề nhức nhối của xã hội như bùng nổ dân số, nữ quyền, chính trị, lòng tham và sự ích kỉ của xã hội,…
Cho đến cuối cùng, con người cũng chỉ muốn điều tốt nhất cho bản thân, mặc kệ là có phải hy sinh luôn cả những người xung quanh hay thậm chí là chính người thân của mình.
Chính phủ luôn khăng khăng “đây là cách tốt nhất” mà bỏ qua những mất mát mà người dân phải chịu.
Suy cho cùng, không có một xã hội nào là hoàn hảo, cũng không có một cách giải quyết nhất định nào cho một vấn đề mà không để lại hậu quả cả.
Tuy vậy, phim vẫn nhận được các lời phê bình tiêu cực. Mỗi người đều có góc nhìn riêng.
Nếu bỏ qua một số lỗi nhỏ và xem phim với một tâm lý thoải mái, không áp đặt logic như khi xem Inception hay The Platform thì mình thấy đây là một bộ phim khá đáng xem, nhất là trong những ngày cách ly buồn chán này.