Self-Help đã hủy hoại những niềm tin đúng đắn về não bộ như thế nào?

0
589
Self-Help đã hủy hoại những niềm tin đúng đắn về não bộ như thế nào?

“Chúng ta chỉ sử dụng 10% não”

Một giả thuyết nghe vô cùng hấp dẫn nhỉ? Nó tạo cảm giác như mỗi người trong chúng ta đều là siêu nhân, nhưng tạo hóa đẩy đưa nên tạm thời phải làm loser. Có lẽ vì thế mà giả thuyết này được sử dụng nhiều trong các bộ phim viễn tưởng như Lucy hay Limitless – nhân vật chính cắn thuốc để “mở khóa” dịch vụ Premium cho não.

Và có lẽ vì thế, những cuốn self-help sử dụng giả thuyết này như “How to win friends and influence people” trở thành một trong những đầu sách bán chạy nhất.

Niềm tin về chuyện 10% não này phổ biến đến mức các khảo sát đã chỉ ra khoảng ⅔ giáo viên tiểu học – trung học (tỉ lệ là ½ nếu chỉ xét những giáo viên dạy môn khoa học) cho rằng đó là sự thật.

Nhưng giả thuyết trên chỉ là chuyện bịa và chẳng dựa trên bất kỳ nghiên cứu/công trình khoa học nào cả.

Chúng ta thường xuyên sử dụng 100% não bộ, ngay cả trong lúc ngủ. Mỗi phần của não bộ lại đảm nhận một vai trò khác nhau, nên hầu hết hoạt động cần sự phối hợp của toàn bộ não (trừ một vài hoạt động vô thức như tiêu hóa, thở, giữ thăng bằng…).

Giả thuyết trên đã sai ngay từ căn bản. Tiến hóa đã giúp bộ não ngày càng trở nên to lớn và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn (chỉ chiếm 2% khối lượng nhưng tiêu thụ đến 20% năng lượng của toàn cơ thể). Tạo hóa nào lại tạo ra bộ não to hơn chỉ để dùng 10%?

Các đầu sách self-help đã vẽ ra câu chuyện theo motif “đi tìm kho báu”, cho độc giả thấy họ đang nắm giữ kho báu có thể khai phá bất kỳ lúc nào. Trên thực tế, kiến thức và kỹ năng đều ở bên ngoài não của bạn, và chẳng có bất kỳ viên ngọc quý nào bên trong não bạn cả.

Não trái và não phải

Giả thuyết tiếp theo nghe có vẻ hay ho hơn, nên hiện nay vẫn được kha khá người cấp tiến ủng hộ: chúng ta hoặc là người thuận não trái, hoặc là người thuận não phải.

Theo đó, người não trái là những người thiên về tư duy logic, quản lý, năng động… Ngược lại những người não phải thường sáng tạo, giỏi quan sát tổng thể, giác quan nhạy bén…

Oh, nghe hay quá nhỉ. Sao self-help luôn viết ra được những điều hay ho và ai đọc xong vỗ đùi giống thế này nhỉ?

Lý thuyết về não trái/não phải này là một dạng ngụy khoa học – nghe có vẻ khoa học nhưng thực tế không phải. Những gì được tuyên bố từ trước đến nay về não trái/não phải đều không dựa trên bất kỳ bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào.

Não trái và não phải

Mặc dù các vùng trong não đảm nhận các vai trò khác nhau, một số vùng đảm nhận khả năng ngôn ngữ, một số khác về các giác quan, một số về ký ức… và mỗi phần bị tổn thương sẽ khiến cơ thể bị mất đi chức năng tương ứng. Tuy nhiên, chẳng có vùng não nào quy định sự “sáng tạo”, hay vùng não nào tăng cường “khả năng quản lý” cả.

Trên thực tế, dù bạn khám nghiệm tử thi hay quét não của nhà toán học và nghệ sĩ, cũng chẳng có bất kỳ khác biệt nào cả.

Nhưng ở thời cổ đại, khi chưa có bằng chứng về việc trái đất hình cầu, cũng đâu có nghĩa là trái đất phẳng đúng không? Đúng vậy!

Trong lúc trường phái “não trái-não phải” vẫn chưa chứng minh được giả thuyết của mình, bằng chứng phủ định đang ngày càng nhiều và rõ ràng hơn. Theo một nghiên cứu năm 2013, các nhà khoa học của Đại học Utah đã thực hiện scan não của hơn 1000 người với đủ loại tính cách khác nhau.

Kết quả, họ chẳng thu được bất kỳ điều gì khác biệt hay đặc biệt cả. Não của mọi người đều khác nhau một cách ngẫu nhiên và tuyệt nhiên không có bán cầu nào chiếm ưu thế – dù tính cách của họ thì có.

Các tác giả nghiên cứu trên đã đưa đến kết luận rằng chuyện “não trái-não phải” giống như một cách nói ẩn dụ, chứ không dựa trên giải phẫu thực tế.

Nếu thế thì, các tác giả self-help nên thôi viện dẫn những chứng cứ khoa học vào những cuốn sách của mình chứ nhỉ?

“Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”

Giả thuyết tiếp theo còn hấp dẫn độc giả hơn, vì nó có liên quan mật thiết đến chuyện tán gái. “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” đã trở thành một trong những cụm từ phổ biến nhất lịch sử nhân loại, ở cả phương tây lẫn phương đông.

Giả thuyết này bắt nguồn từ cuốn sách “Men are from Mars, Women are from Venus” của tác giả John Gray (chuyên viên tư vấn cho các cặp đôi, giảng viên và tác giả sách).
Theo đó, tác giả cho rằng đàn bà thì cảm xúc hơn, trong khi đàn ông giỏi chuyện phân tích. Và những thứ đại loại vậy.

Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim

Và là bịa đặt hết cả lượt.

Hãy cùng lướt qua các khẳng định bên trong cuốn sách kia bị bóc mẻ:

– Đàn bà nói chuyện nhiều hơn đàn ông.

Deborah James và Janice Drakich đã tìm hiểu qua 56 nghiên cứu về vấn đề này, trong đó 34 nghiên cứu chỉ ra nam nói nhiều hơn nữ và chỉ 2 nghiên cứu khẳng định nữ nói nhiều hơn nam. Một khảo sát khác của Đại học Arizona cho thấy số từ mà nam và nữ nói trong một ngày là bằng nhau (16.000 từ).

– Đàn bà giàu cảm xúc hơn đàn ông.

Một nghiên cứu đã chỉ ra nhu cầu hòa nhập xã hội và tìm kiếm bạn bè ở các bé nam và nữ là như nhau – và nhu cầu giải tỏa cảm xúc cũng vậy. Tuy nhiên sự khác biệt dần rõ ràng hơn khi các đối tượng này lớn lên, cho thấy ảnh hưởng bởi định kiến xã hội lên sự phát triển của hai giới.

… và còn nhiều các nghiên cứu khác được đính kèm bên dưới để các bạn tham khảo.

Tuyên bố “đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” được nêu ra trong một cuốn self-help, không dựa trên bất kỳ bằng chứng khoa học nào và được viết ra từ một tác giả không liên quan mấy đến khoa học. Nhưng có vẻ vẫn hấp dẫn nhiều người?

3 ví dụ trên đã khắc họa rõ nét cách những cuốn sách self-help nói riêng (và nền công nghiệp buôn bán sự hạnh phúc nói chung) tạo ra những định kiến sai lệch về bản chất con người – xã hội.

Những niềm tin sai lệch trên đã và đang dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình giáo dục sai lệch, bất bình đẳng giới và nuôi dưỡng sự ảo tưởng.

Hãy nhớ rằng, chẳng người thông minh nào bỏ tiền ra để mua lấy trí tuệ cả.

Cụm từ “sách self-help” không dùng để chỉ toàn bộ, mà chỉ bao gồm những đầu sách và những sai lệch được nhắc đến ở trong bài đăng)

Theo Monster Box