YouTube: nội dung đa dạng nhưng liệu có an toàn?

Hiện nay, càng nhiều Youtuber ra đời khiến nội dung càng ngày càng chất lượng và đa dạng hơn. Đây vừa là tin mừng đối với Youtube vừa là khó khăn khi kiểm soát một lượng nội dung khổng lồ. Liệu có phải nội dung nào cũng đảm bảo chính sách an toàn của Youtube?
Nội dung càng ngày càng đa dạng hơn
Cùng với Facebook, Twitter, YouTube là một trong những nền tảng giải trí được nhiều người sử dụng. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những bộ phim gay cấn, video hướng dẫn nấu ăn hay các chương trình giải trí hấp dẫn.
Càng ngày càng có nhiều kênh Youtube cá nhân ra đời giúp đa dạng hóa hơn nội dung trên Youtube. Không ngoa khi nói, bạn có thể tìm thấy gần như mọi nội dung trên youtube. Hay chính xác hơn, Youtube chính là “Google” phiên bản video.

Nội dung càng ngày càng đa dạng hơn
Mỗi phút có 400 video được tải lên liên tục trên Youtube với nhiều nội dung cho từng đối tượng lứa tuổi khác nhau. Con số này minh chứng rằng càng nhiều kênh ra đời và nhiều lượng video hơn mang đến nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của người dùng.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là trong số 400 video mỗi phút đó thì có bao nhiêu video đạt được yêu cầu chính sách nguyên tắc cộng đồng và an toàn cho người xem?
Chất lượng nhưng có an toàn?
Những năm gần đây, youtuber tại Việt Nam như nấm mọc sau mưa. Càng nhiều youtuber thì nội dung sẽ đa dạng, phong phú hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng tất cả nội dung đều đạt tiêu chuẩn cộng đồng và an toàn với người xem. Thực tế, nhiều nội dung vi phạm chính sách an toàn trẻ em, nội dung bạo lực, nội dung sai lệch thông tin,… xuất hiện càng nhiều nhưng chưa thực sự được kiểm soát. Đặc biệt năm nay, rất nhiều nội dung nguy hiểm như hướng dẫn chơi ma túy, khuyến khích tự sát, thử thách trò mạo hiểm…. xuất hiện.
Ngày nay, trẻ em là đối tượng sử dụng youtube khá nhiều. Do đó, những nội dung không lành mạnh, tác động tâm lý, hành động nguy hiểm có thể khiến trẻ em bắt chước theo. Vì trẻ em chưa phân biệt được thông tin và nhận thức đúng sai.

Lớp học nhí nhố
Ví dụ điển hình là kênh youtube “Lớp học nhí nhố” đăng tải nhiều video có nhan đề gây hiểu lầm như “Ăn Ipad trong lớp troll “Xanh lanh chanh” xấu tính tráo quả”, “Làm giả bột giặt từ sữa bột”. Những nội dung này không những không mang tính giáo dục mà còn dễ khiến trẻ bắt chước theo.
Ngoài ra, hơn 55.000 video xấu độc, không lành mạnh đang tồn tại trên YouTube. Chúng ta có thể dễ dàng lựa chọn nội dung, phân biệt đúng sai nhưng trẻ em thì chưa có khả năng như vậy. Đây chính là con số lớn và đáng báo động khi nhiều phụ huynh cho trẻ xem youtube mà không kiểm soát
Không chỉ vậy, nhiều nội dung nhảm dễ kích động, làm sai lệch tư duy của trẻ vẫn xuất hiện. Ví dụ là “đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ mình ăn mừng 200.000 subscriber”, “Thả 100 con dao từ trên cao xuống vào miếng thịt”.
Bài toán an toàn nội dung
Thuật toán của YouTube ưa thích các kênh có lượt upload đều đặn, nhiều lượng người theo dõi bất kể chất lượng như thế nào. Mỗi video sở hữu hơn 1 triệu lượt xem mang về cho Youtuber khoảng 20 triệu đồng. Nếu số lượng view lên đến con số trên 10 triệu thì Youtuber có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, các youtuber thường cố gắng đưa ra nhiều nội dung hơn trong cuộc chiến câu view.
Mặc dù doanh thu cao nhưng YouTube vẫn luôn phải đối mặt với các vấn đề của bài toán quản lý nội dung. Bài toán đặt ra là làm sao để kiểm soát nội dung chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn?

Khá Bảnh là hiện tượng mạng nổi tiếng trong làng câu view
Mỗi năm, YouTube thay đổi điều khoản trong chính sách và khắt khe hơn trong kiểm duyệt các video tải lên như tăng số lượng kiểm duyệt viên. Đến năm 2020, vấn đề mà YouTube phải đối mặt phải chăng vẫn là kiểm soát nội dung sao cho chất lượng, an toàn khi 400 video tải lên trong 1 phút và con số vẫn không ngừng tăng?
Làm sao để ngăn chặn các “Huấn Hoa Hồng” mới, “Khá Bảnh” mới hay các kênh nội dung nguy hiểm khi càng nhiều youtuber tham gia cuộc chiến câu view? Có lẽ câu trả lời sẽ không chỉ là tăng kiểm duyệt viên, thay đổi chính sách mà còn cần nhiều hơn thế nữa….